Thứ Năm, 23 tháng 12, 2010

Phát minh chế tạo xi măng từ nguồn san hô

Ông BRENT CONSTANTZ

Từ trước đến nay, chúng ta đều nghe nói từ san hô sản xuất ra vôi, nhưng hiện nay khoa học công nghệ phát triển đã phát minh ra được điều kỳ diệu đó là từ nguồn san hô vô tận của biển cả con người có thể sản xuất ra xi măng, đồng thời có thể giúp giảm bớt tổng lượng khí dioxide carbon thải vào bầu khí quyển làm ô nhiễm môi trường sống của trái đất.

Ông Brent Constantz, chuyên gia khoa học công nghệ Hoa Kỳ, trước đây là sinh viên ngành Sinh Học biển vào những năm 1980 của thế kỷ trước, đã nghiên cứu và vận dụng thành công cơ chế hình thành san hô để sản xuất xi măng. Ông đã rất kinh ngạc khi khám phá ra san hô có thể tạo ra những vỉa đá san hô khổng lồ không từ bất kỳ thứ gì khác ngoài nước biển.

Vậy bí quyết hình thành nên những vỉa đá san hô khổng lồ trong lòng đại dương là gì?

Đó là do chúng kết hợp calcium và bicarbonate có trong nước biển thành calcium carbonate, được tinh thể hóa thành bộ xương ngoài bền chắc. Ông Brent Constantz đã kiên trì nghiên cứu suốt hai thập niên về cách thức áp dụng cơ chế tương tự vào việc phục chế xương người. Ông đã nhận được hơn 60 bằng sáng chế, thành lập hai công ty và hiện nay loại xi măng xương của ông đang được sử dụng khắp thế giới.

Nhưng ông vẫn tiếp tục kiên trì nghiên cứu về san hô, và đến năm 2007 ông đã sáng chế ra một dạng xi măng mới được sử dụng vào các công trình xây dựng.

Xi măng đá vôi được tinh thể hóa trong nước cũng giống như san hô. Khi bổ sung một chất cốt liệu vào hỗn hợp như cát hoặc sỏi dẫn đến kết quả là tạo ra một loại xi măng bền và rẻ.

Ông Brent Constantz nhận thấy từ việc sản xuất loại xi măng này bằng cách mô phỏng quy trình của san hô, có thể giúp làm giảm tổng lượng khí dioxide carbon thải vào bầu khí quyển là nguyên nhân gây nên tình trạng hiệu ứng nhà kính khiến trái đất biến đổi khí hậu. Ngoài ra, có thể cô lập các vật liệu thô từ nguồn phát thải khí dioxide carbon lớn nhất thế giới, đó là các nhà máy điện.

Từ năm 2009, Công ty Calera mới nhất của ông Brent Constantz đã bắt đầu đưa lý thuyết này ứng dụng vào thực tiễn, công trình này được thực hiện tại một nhà máy điện 1.000 MegaWatts ở Moss Landing, bang California, Hoa Kỳ. Tại đó các kỹ sư phun nước biển giàu khoáng hoặc nước mặn vào khí đã cháy thu được từ các ống khói của nhà máy. Calcium trong nước liên kết với carbon để hình thành nên xi măng.

Ông Brent Constantz cho biết, nhà máy thí điểm này có khả năng sản xuất tới 1.100 tấn xi măng/ngày và cô lập được 550 tấn carbon dioxide. Trong 3 năm tới, công ty Calera sẽ vận hành tại một số nhà máy tại bang Wyoming của Mỹ và Úc.


Thứ Hai, 20 tháng 12, 2010

Công nghệ mới máy ảnh chụp xuyên qua tường

Mới đây, các khoa học gia Hoa Kỳ đã công bố phát minh mới nhất của họ về một hệ thống truyền dẫn hình ảnh động Femto giây. Phát minh này xuất xứ từ Viện Công nghệ Massachussetts (Hoa Kỳ) đã nghiên cứu thành công trong việc chế tạo máy ảnh chụp xuyên qua tường.

Ông Ramesh Paskhar Viện công nghệ Massachusetts (MIT, Hoa Kỳ) đứng đầu nhóm dự án Camera Culture, nghiên cứu thành công loại camera mới này cho biết: "Phát minh của chúng tôi cho phép chiếu những tia xuyên qua các vật ngăn cách giống như tia rơnghen nhưng lại không phải là tia rơnghen".

Bản chất hoạt động của hệ thống đó là chiếu những bức xạ ánh sáng có cường độ cao từ một máy phát laser femto giây. Ánh sáng có bước sóng cực ngắn bật lên chỉ kéo dài 1/1015 giây. Nó sẽ được phản xạ lại và đập vào đối tượng cần chụp. Nếu phía sau của cảnh chụp này còn có những đối tượng khác nữa, thì ánh sáng phản xạ luôn cả chúng và quay trở lại sensor của máy. Trong máy đã cài đặt phần mềm là thuật toán phức tạp, có thể lập tức tính thời gian và khoảng cách của mỗi điểm (pixel) phản xạ lại. Các dữ liệu thu được sẽ được sử dụng để tái hiện cảnh đã chụp.

Hiện nay, hệ thống chụp “theo kiểu tia rơnghen” như vậy mới ở giai đoạn nghiên cứu và thử nghiệm ban đầu. Buồng chụp còn gặp nhiều khó khăn do phải bao quát một khung cảnh quá rộng với nhiều đối tượng. Nhưng vài năm nữa có thể khắc phục được điều này để đưa vào sản xuất.

Phạm vi ứng dụng của phát minh này rất đa dạng. Không chỉ được các tay săn ảnh trộm (paparazzi) hoặc những chàng Don Juan đào hoa quan tâm mà nó còn rất thuận tiện cho những ca mổ cấp cứu không thể đưa máy móc y tế đến chụp vì nạn nhân bị đè dưới một vật nặng (ví dụ trong các vụ động đất) hoặc khi khám nội soi mà thiết bị y tế bất lực.

Thêm vào đó, nó sẽ được dùng trong ngành robot học, giúp cho các máy móc điều khiển có thể phân biệt rõ ràng hơn để đánh giá môi trường xung quanh.


Năm 2011 với những dự báo công nghệ đột phá

Khoa học công nghệ tiên tiến trên thế giới đang phát triển mạnh mẽ như vũ bão, với những dự báo rất lạc quan về hàng loạt công nghệ mới siêu đẳng chuẩn bị trình diện trong năm 2011. Sau đây là những khoa học công nghệ đáng chú ý trong năm 2011 sắp tới:

Tăng tốc chất lượng mạng di động

Trong năm 2011, tất cả điện thoại smartphone, các ứng dụng lưu trữ trực tuyến và tablet 3G sẽ kết nối dễ dàng với các mạng di động cùng tốc độ siêu nhanh, siêu ổn định cũng như truy cập Internet tốc độ cao.

Tuy nhiên, người dùng sẽ phải lựa chọn giữa việc truy cập đắt đỏ hoặc nghẽn mạng vì quá tải. Nhà nghiên cứu As John Levett của Jupiter Research giải thích “Năm 2010 là năm mà lưu lượng truy cập dữ liệu di động tăng đột biến do sự bùng nổ người dùng smartphone, điều đó khiến mạng 3G bị quá tải nghiêm trọng. Một số nhà khai thác mạng đã đối phó với tình trạng này bằng các gói dữ liệu với từng mức giá khác nhau – một xu hướng chắc chắn sẽ tăng nhanh – nhưng số lượng người dùng smartphone vẫn không ngừng tăng lên, do đó việc thử nghiệm mở rộng dung lượng mạng sẽ được tiến hành trong năm 2011”.

Cạnh tranh máy tính bảng quyết liệt hơn

Năm 2011 được dự báo sẽ là năm chứng kiến những cuộc cạnh tranh quyết liệt giữa những chiếc máy tính bảng siêu đẳng như BlackBerry PlayBook của RIM hay iPad 2 của Apple. Đặc biệt là sự góp mặt của những dòng máy tính bảng Android ngày càng đông đảo. Các phiên bản hệ điều hành Android 2.3Android 3.0 xuất hiện sẽ khiến những chiếc máy tính bảng Android trở nên thân thiện hơn. Ngoài ra, còn phải kể đến bộ vi xử lý Oak Trail của Intel dành riêng cho máy tính bảng sẽ được đưa vào sản xuất đầu năm tới.

Chúng ta cũng sẽ thấy có sự góp mặt của những chiếc máy tính bảng do hãng Google sản xuất. Năm 2011 chắc chắn sẽ là năm máy tính bảng ào ạt đổ bộ ra thị trường công nghệ thế giới.

Cải tiến màn hình máy tính bảng sắc nét hơn

Các nhà sản xuất đã lỗi hẹn với người tiêu dùng trong việc đưa màn hình OLED vào sản phẩm máy tính bảng mà chỉ có thể đưa công nghệ màn hình này đến điện thoại di động. Chỉ có một lý do đơn giản: đó là nhu cầu quá lớn cho tấm màn hình OLED kích cỡ điện thoại di động. Tuy nhiên, những chiếc máy tính bảng sở hữu màn hình OLED lớn với hình ảnh sống động hơn, thời lượng pin dài hơn và thiết kế mỏng hơn chắc chắn sẽ được trình làng trong năm 2011. Apple được dự đoán sẽ mang công nghệ màn hình Retina Display cho iPad.

Điện thoại di động có chức năng thanh toán như thẻ tín dụng

Tại sao phải mang theo một đống giấy tờ hóa đơn bên người khi chiếc điện thoại của bạn có thể thực hiện được tất cả dịch vụ thanh toán từ hóa đơn siêu thị, vé máy bay…Trong năm 2011 tới, chiếc điện thoại của bạn có thể trở thành một chiếc thẻ Oyster Cards hay thậm chí là thẻ tín dụng.

Ứng dụng phổ biến công nghệ 3D

Năm 2011, công nghệ 3D được dự báo sẽ vươn lên đỉnh cao mới. Hãng Sky đã có kênh truyền hình 3D TV đầu tiên của mình, đánh dấu việc đưa công nghệ 3D tới các hộ gia đình. Cùng với đó là sự bùng nổ của đầu đĩa Bluray 3D với đủ mức giá phù hợp với túi tiền của từng đối tượng người tiêu dùng, sự xuất hiện của những chiếc laptop 3D, nội dung 3D ngày càng phong phú. Máy chơi game cầm tay Nintendo 3DS cũng được hứa hẹn trình làng. Ngoài ra, hàng loạt các bộ phim được trình chiếu dưới dạng 3D chắc chắn sẽ khiến công nghệ này càng ngày càng gần gũi với mọi người hơn.

HTC đã nhanh chân gia nhập trào lưu 3D bằng mẫu điện thoại di động 3D đầu tiên. Apple cũng đã bắt đầu gia nhập cuộc chơi mới mẻ này bằng việc đăng ký sở hữu bằng sáng chế một màn hình hiển thị 3D tự động đơn giản, đẹp mắt và dĩ nhiên không cần đeo kính dành cho các thiết bị cầm tay như iPod, iPhone và iPad.

Điện toán đám mây và lưu trữ trực tuyến

Năm 2011 là năm đánh dấu sự xuất hiện của hệ điều hành Chrome OS trên các sản phẩm công nghệ. Đây là hệ điều hành hoạt động hoàn toàn bên trong một trình duyệt, có nghĩa là mọi người có thể tiếp cận nó qua Chrome browser trên mọi máy tính, kể cả Windows PC hoặc Mac. Đặc biệt Chrome OS hỗ trợ điện toán đám mây (cloud computing), trong đó, các chương trình không cần cài đặt trên máy tính mà được truy cập qua trình duyệt, còn dữ liệu của người sử dụng sẽ nằm trên máy chủ Internet thay vì được lưu trong PC.

Điều này rất hữu ích bởi hiện nay chúng ta cần làm nhiều việc trên máy tính ngay trên đường hơn là tại nhà, chúng ta cũng chuyển từ thiết bị này sang dùng thiết bị khác liên tục: smartphone sang tablet, desktop sang laptop… Điện thoại và máy tính bảng không có khả năng lưu trữ tất cả những gì chúng ta muốn. Vì vậy, lưu trữ bằng điện toán đám mây là phương sách tốt nhất.

Lưu trữ trực tuyến cũng đang là một xu hướng được nhiều người quan tâm. Các mạng lưới của chúng ta đã đủ nhanh và có công nghệ nén đủ tốt cho nhu cầu lưu trữ các bộ phim và bản nhạc. Hãng Netflix (Mỹ) đang có kế hoạch trình làng một dịch vụ lưu trữ video. Riêng ở Anh đã xuất hiện dịch vụ iPlayer cho phép người dùng xem và tải các chương trình về máy tính, thậm chí là thông qua cả điện thoại di động.

Kể từ khi Apple thâu tóm dịch vụ lưu trữ nhạc Lala.com hồi đầu năm nay, một phiên bản lưu trữ của iTunes cũng đang được chờ đợi ngày ra mắt.

Các dịch vụ định vị toàn cầu

Năm 2011, những dịch vụ định vị toàn cầu sẽ phát triển và đóng một phần quan trọng trong cuộc sống chúng ta. Dịch vụ Google Maps sẽ giúp bạn có được cái nhìn toàn cảnh về nơi mà bạn đang lên kế hoạch đi du lịch hoặc các địa điểm mua sắm. Facebook cũng đang thúc đẩy dịch vụ Deal kết hợp FourSquare-a-like Places với Groupon-esque.

Dịch vụ định vị trong tương lai sẽ tích hợp với các ứng dụng khác để giúp chiếc điện thoại di động của bạn thông minh hơn, có thể tùy chỉnh chế độ theo địa điểm mà bạn đang có mặt. Ví dụ với Nokia Situations, điện thoại của bạn sẽ tự động tắt chuông khi bạn đang ở những nơi cấm tiếng ồn. Các nhà sản xuất điện thoại Android cũng đang nghiên cứu để tích hợp các tính năng kiểu này vào sản phẩm của họ.

Công nghệ tương tác thời gian thực – AR(Augmented Reality)

AR (Augmented Reality) là công nghệ sử dụng tín hiệu từ hình ảnh thực tế thông qua định vị GPS, camera, micro rồi cung cấp cho người dùng những thông tin cụ thể. Công nghệ này thường được biết đến với các ứng dụng dẫn đường thế hệ mới, giúp người dùng tương tác trực tiếp với môi trường xung quanh trên các điện thoại chạy iOS hay Android. Lấy thí dụ ứng dụng Google Sky map sẽ đưa thông tin chi tiết các ngôi sao hay thiên thể khi camera điện thoại chỉ đến. Hoặc trình duyệt Layar cung cấp về nhà ở, khu mua sắm, máy rút tiền ATM, nhà hàng nổi tiếng...

Sang năm 2011, AR sẽ tiếp tục tiến tới trở thành công nghệ hàng ngày. Phiên bản thế hệ mới nhất của Google Earth đang cho chúng ta thấy cách để xóa nhòa ranh giới giữa thế giới thực và ảo ngày một rõ hơn.

Mực in điện tử (E-Ink)

Trong mùa lễ Giáng Sinh năm nay, hãng bán lẻ trực tuyến Amazon đã tung ra thị trường hàng loạt các thiết bị sử dụng mực in điện tử. HTC hiện đang tiến hành thử nghiệm một loại công nghệ màn hình có thể tích hợp cả việc sử dụng mực điện tử cho các sản phẩm của hãng, trong khi đó thiết bị mực in điện tử (E-Ink) màu đầu tiên đã được bán ra tại Trung Quốc hồi tháng trước.

Sự kết hợp mực in điện tử (E-Ink) màu với thiết bị đọc sách điện tử cảm ứng của Sony đã mang lại cho người sử dụng những trãi nghiệm tuyệt vời.

Kho ứng dụng

Hiện nay, các hãng công nghệ đang ồ ạt cho ra mắt hàng loạt các kho ứng dụng dành riêng cho từng loại thiết bị. Bên cạnh các cửa hàng ứng dụng thiết bị di động khác nhau, Apple đang chuẩn bị trình làng kho ứng dụng dành riêng cho máy Mac. Ngoài ra, khi Windows 8 ra mắt, nhiều khả năng sẽ có kho ứng dụng riêng cho nền tảng này.

Chủ Nhật, 19 tháng 12, 2010

Công nghệ lọc nước biển và nước thải thành nước sạch


Công nghệ “SÓNG NƯỚC” của công ty Teros - Mifi STC, do các khoa học gia Liên Bang Nga phát minh là công nghệ duy nhất trên thế giới lọc nước sạch qua tác động thủy động lực mà không cần dùng hoá chất, nhựa đổi i-ôn hay bộ lọc, màng. Môđun tiêu thụ năng lượng ít hơn so với các loại thiết bị khác có công năng tương tự .

Công nghệ “SÓNG NƯỚC” có thể xử lý hết tất cả các loại nước thải và lọc thành nước sạch.
Chi phí xây dựng cơ bản rất thấp .
Chất lượng nước ổn định rất cao .
Chi phí vận hành & bảo trì rất thấp .
Có thể xử lý nước lợ, nước biển làm nước uống, nước cất, nước sinh hoạt.
Môđun với công suất 1200 m3/ngày (50 m3/giờ) được xếp trong 1 thùng công-te-nơ, có thể đặt ở ngoài trời mà không cần xây nhà chứa .
Chất lượng nước sạch :
Nước thải không cần xử lý sơ bộ. Chất lượng nước sạch cao, nên tái sử dụng trong quy trình sản xuất - tiết kiệm 95% nước cấp. Chất lượng nước ổn định .
Lĩnh vực áp dụng :

*Công nghệ “SÓNG NƯỚC” có thể xử lý hết tất cả các loại nước thải, bao gồm có cả chất độc, phóng xạ, nước thải hỗn tạp trong sản xuất thực phẩm, bia, rượu, hoá chất, nhựa, nhuộm, luyện kim ...
*Công nghệ “SÓNG NƯỚC” có thể sử dụng để lọc nước lợ hay nước mặn làm thành nước uống hoặc nước sinh hoạt. Cho nên các
Khu công nghiệp gần biển hoặc gần sông nước lợ có thể xử lý nước tại chỗ, không cần xây đường ống cấp nước từ xa . Đồng thời cung cấp nước uống cho khu dân cư.
Với nhu cầu tiêu thụ nước ngọt trên 4.000 m3/ngày đêm và nguồn nước cách 65 km , nhu cầu tiêu thụ 11.000 m3/ngày đêm và khoảng cách dẫn nước trên 160 km, nhu cầu 20.000 m3/ngày đêm và nguồn nước dẫn xa trên 480 km thì lọc nước tại chỗ đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với dẫn nước ngọt từ các nguồn nước xa nơi tiêu thụ .
Hiện nay, các nước ven biển xử lý nước biển càng nhiều cho nhu cầu kinh tế . Năm 2006, dự án nhà máy xử lý nước biển của Singapore được giải thưởng Toàn cầu (Global Water Award), tuy nhiên để làm 1 m3 nước sạch nhà máy chi phí điện năng 4.2 kWh/m3 (được coi là thấp nhất thế giới lúc đó); trong khi môđun của công ty Teros-Mifi chỉ tiêu thụ 3 kWh/m3 nước biển và ít hơn 10 lần với nước không mặn .
Vận hành: Đơn giản, chỉ cần 1 công nhân trực vì môđun làm việc liên tục và hoàn toàn tự động.

Môi trường: Công nghệ “SÓNG NƯỚC” hoàn toàn sạch và an toàn về môi trường. Tất cả các chất có trong nước sẽ thải ra dạng cứng, không độc hại, có thể chuyển đến bãi rác hay tái sử dụng. Môđun không có bức xạ gây hại, không thoát khí độc.
Kết luận: Công nghệ “SÓNG NƯỚC” nên áp dụng trong các trường hợp xử lý nước phức tạp, khó làm sạch như nước thải hay nước mặn .


Thứ Năm, 16 tháng 12, 2010

Phát hiện dạng kim loại có khả năng hút ánh sáng mặt trời

Các nhà khoa học Mỹ trong quá trình nghiên cứu đã phát hiện ra một dạng kim loại có khả năng hấp thụ và dự trữ vô hạn ánh sáng mặt trời, phát hiện này có thể tạo nên bước đột phá trong công nghệ năng lượng mặt trời.
Theo Daily Mail cho hay, dạng kim loại đặc biệt này chính là các phân tử fulvalene diruthenium, được tạo ra từ nguyên tố Ruteni (ruthenium).
Các nhà khoa học Mỹ cho biết, khi hấp thụ ánh sáng mặt trời, các phân tử fulvalene dirutheniumch sẽ biến đổi thành kết cấu bán ổn định song rất an toàn. Điều đặc biệt là chúng có thể lưu trữ vô hạn nhiệt lượng. Sau đó nhờ một chất xúc tác, chúng lại có thể quay lại trạng thái ban đầu đồng thời giải phóng lượng nhiệt đã lưu trữ. Nguồn nhiệt lượng này có thể dùng để sưởi ấm cho các phòng.Ruthenium, chất được dùng để tạo ra các phân tử fulvalene diruthenium có khả năng hấp thu và lưu trữ năng lượng từ ánh sáng mặt trời

Các thiết bị sử dụng năng lượng mặt trời trước nay đã có thể chuyển hóa nguồn năng lượng này thành điện hoặc nhiệt. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có thiết bị nào có thể lưu trữ tạm thời những nguồn năng lượng chưa dùng tới. Do vậy, việc phát hiện ra các phân tử fulvalene diruthenium có thể sẽ tạo ra bước đột phá quan trọng trong ngành công nghiệp năng lượng mặt trời.
Khi các phân tử fulvalene diruthenium giải phóng nhiệt lượng đã lưu trữ, nhiệt độ mà chúng tạo ra có thể lên tới 200 độ C. Đây được gọi là phương pháp “nhiệt hóa học” với hiệu quả cao hơn rất nhiều so với những hệ thống sử dụng năng lượng mặt trời thông thường.
Jeffrey Grossman, thuộc Học viện Massachusetts, người đứng đầu chương trình nghiên cứu này cho hay: “Nó có nhiều ưu thế trong việc lợi dụng lượng nhiệt mặt trời, tuy nhiên, chúng lại được lưu trữ như một thứ nhiên liệu đốt. Toàn bộ nhiệt lượng đã lưu trữ có thể được giải phóng, toàn bộ quá trình này khá ổn định. Bạn có thể dùng nguồn năng lượng đã dự trữ khi cần. Bạn cũng có thể mang nhiên liệu này đặt dưới ánh sáng mặt trời để nạp điện. Khi dùng hết bạn lại có thể tiếp tục làm như vậy”.
Trở ngại lớn nhất của
công nghệ mới này chính là việc các phân tử fulvalene diruthenium rất hiếm nên giá thành sẽ rất cao.
Các phân tử fulvalene diruthenium được tạo ra từ nguyên tố ruthenium, một loại nguyên tố hiếm và đắt. Mỗi năm, người ta chỉ khai thác được 12 tấn ruthenium. Ngoài ra, đây cũng là một sản phẩm phụ của quá trình phản ứng phân hạch hạt nhân. Tuy nhiên, chính quá trình này càng khiến cho ruthenium trở nên cực kỳ đắt đỏ.

Mặc dù vậy, các nhà khoa học vẫn tin rằng, một khi đã tìm ra được nguyên lý của việc lưu trữ và giải phóng năng lượng mặt trời người ta vẫn có hy vọng tìm ra những vật liệu tương tự mà giá thành rẻ hơn.

Chữa bệnh bằng đèn sưởi hồng ngoại


Không được bày bán tràn lan tại các chợ, các siêu thị điện tử như vật dùng để sưởi ấm khác, cũng không quá cồng kềnh và khó sử dụng, đèn sưởi hồng ngoại được thiết kế rất đơn giản, nhỏ gọn tiện dụng và khá đẹp mắt. Chúng chỉ được bày bán tại các cửa hàng bán dụng cụ thiết bị y tế.
Đèn sưởi hồng ngoại có tác dụng chữa bệnh xương, khớp, làm giảm đau, vết bầm tím. Chúng có hình dạng tương tự như những chiếc đèn bàn nhưng chân đế được thiết kế to hơn, bóng đèn là loại bóng chuyên dụng khi bật ánh sáng hồng ngoại từ bóng được chiếu sáng rọi vào những vết thương sẽ giúp giảm đau, làm tan máu bầm và sưởi ấm. Đèn sưởi hồng ngoại còn có thêm tác dụng trong việc chỉnh sửa sắc đẹp, chúng được sử dụng rộng rãi tại các trung tâm thẩm mỹ viện.
Theo ý kiến của các chuyên gia thì ánh sáng của đèn sưởi hồng ngoại chỉ có tác dụng với việc chữa bệnh, sẽ không tốt nếu thời gian sử dụng đèn quá lâu (thường thì không quá 10 -15 phút) và đặc biệt không được rọi trực tiếp vào mắt. Ngay cả việc sử dụng đèn để sưởi ấm cũng chỉ được bật đèn và để cách người sử dụng khoảng 30 -50cm, và sử dụng không quá 15 phút.
Trên thị trường hiện đang có nhiều hãng sản xuất với nhiều chủng loại đèn sưởi hồng ngoại, trong đó đáng chú ý nhất là 3 hãng sản xuất thiết bị chăm sóc sức khỏe y tế hàng đầu thế giới: Beurer, Boso (CHLB Đức) và Omron đến từ Nhật Bản.
Đèn hồng ngoại IL 50 do hãng Beurer - Đức sản xuất, sức nóng của đèn có tác dụng giảm đau, chống co cứng cơ; làm giãn mạch, tăng chuyển hóa và dinh dưỡng tại chỗ. Công suất bóng 300W, bóng đèn kiểu mới, điều khiển điện tử làm tăng hiệu suất tới 30%, tiết kiệm năng lượng, nâng cao hiệu quả điều trị.
Đèn hồng ngoại 150W - D4100 là sản phẩm do hãng Boso - Đức sản xuất, công suất tiêu thụ 100W có tác dụng giảm đau cơ, đau dây thần kinh, tăng cường trao đổi chất, bảo vệ cơ thể và tăng cường quá trình chữa bệnh. Hơi nóng từ máy sẽ hỗ trợ làm lành, kích thích vòng tuần hoàn máu và làm thư giãn các cơ xương. Sản phẩm đặc biệt tốt cho những người luôn làm việc ở tư thế không đổi trong một thời gian dài.
Đèn hồng ngoại IL20/21 do hãng Omron - Nhật Bản sản xuất, công suất 150W. Dưới ảnh hưởng của tia hồng ngoại, nhiệt độ của máu sẽ tăng nhanh, giúp máu tuần hoàn dễ dàng hơn, tăng cường quá trình trao đổi chất và kích thích năng lượng tự bảo vệ của cơ thể.
Ngoài ra còn có model IRL 150W do hãng Medisana - Đức sản xuất và một số sản phẩm khác có chức năng tương tự.
Tuy nhiên, điểm đặc biệt đáng quan tâm chính là việc sử dụng những chiếc đèn này, chúng chỉ có tác dụng khi người sử dụng tuân thủ các nguyên tắc của nhà sản xuất. Tránh để ánh sáng đèn rọi trực tiếp vào mắt, tránh để quá lâu vì sẽ gây khô xương hoặc gây bỏng cho người sử dụng. Không để lâu quá 10 – 15 phút. Tránh xa đối với trẻ em.

Đèn hồng ngoại IL50
(Hãng sản xuất Beurer – Đức).
Giá bán 1.450.000 VNĐ









Đèn hồng ngoại 150W-D4100
(Hãng sản xuất Boso- Đức).
Giá bán 630.000 VNĐ







Đèn hồng ngoại IL 20/21
(Hãng sản xuất Omron- Nhật Bản).
Giá bán 560.000 VNĐ